Dịch bệnh hoành hành 'vương quốc quýt hồng'
Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tá hỏa khi phát hiện cây bỗng dưng vàng đọt, lan ra toàn bộ lá rồi sau đó héo rũ, chết dần. Lai Vung là địa phương có diện tích trồng quýt hồng lớn nhất nước.
(05/11/2018)Bà Trần Thị Lệ (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung) cho biết gia đình bà canh tác hơn 4 công (tương đương hơn 4.000 m²) quýt đã gần 4 năm. Đây là nguồn thu chính của gia đình. Gần đây, thấy vườn quýt xuất hiện bệnh vàng lá, bà mua thuốc về trị. Tuy nhiên, càng trị thì bệnh lây lan càng nhiều. Hiện khoảng 2/3 diện tích vườn quýt bị bệnh vàng lá, coi như phải đốn bỏ.
"Để khắc phục, tôi đành bỏ tiền mua thêm cây giống trồng dặm thêm, hy vọng vớt vát lại. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết và sâu bệnh như hiện nay, chắc vườn quýt của tôi sẽ mất trắng" - bà Lệ buồn bã nói.
Ông Trịnh Công Đảo (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước) bộc bạch: "Gia đình tôi có hơn 8.500 m² trồng quýt hồng, quýt đường. Đang là thời điểm thu hoạch nhưng số cây có thể cho trái chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện hơn80% diện tích vườn quýt nhà tôi bị bệnh, không thu hoạch được, đành phải đốn bỏ".
Một nhà vườn ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung đau xót khi vườn quýt hồng hơn 5 năm tuổi bị thiệt hại hơn 90%, phải chặt bỏ
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có khoảng 6.700 ha trồng cây có múi, trong đó cam, quýt khoảng 5.240 ha. Thời gian qua, do dịch bệnh hoành hành làm hơn 260 ha cam, quýt chết. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại.
Qua kết quả điều tra, ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây cam, quýt chết hàng loạt là do nhà vườn bón quá nhiều phân đạm, làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp nên nhện phát triển mạnh, tấn công bộ rễ, sau đó bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium làm chết cây. Ngoài ra còn do bón đạm với liều lượng quá cao lúc cây còn nhỏ, đến khi mưa nhiều lượng đạm chảy xuống tập trung quanh vùng chóp rễ, gây ngộ độc làm cây chết trước khi dịch bệnh tấn công.
Để phòng trị bệnh, ngành chuyên môn khuyến cáo nhà vườn quan sát vào đầu vụ hoặc khi bệnh mới xuất hiện, cần tưới hoặc bơm vào vùng rễ cây bệnh hỗn hợp dung dịch trị nhện; 15 ngày sau bổ sung các hợp chất hỗ trợ, kích thích ra rễ để giúp cây nhanh chóng phục hồi; bón các loại phân có đạm chú ý hàm lượng đạm bón không quá 55 kg/ha/lần bón; nên bón phân hữu cơ; không bón chung với phân vô cơ và phải cách nhau ít nhất 10 ngày...
"Thời gian tới, huyện Lai Vung sẽ làm mô hình điểm để hướng dẫn nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ cùng các viện, trường nghiên cứu, cải thiện độ pH đất của vườn cây có múi để giảm điều kiện cho dịch hại phát triển" - ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết.
Bài và ảnh: Huỳnh Mai (Báo NLĐ)