Lào đau đầu vì chuối ngâm hóa chất Trung Quốc Lào đau đầu vì chuối ngâm hóa chất Trung Quốc

Nhiều người dù biết rõ tác hại nhưng vì thù lao hấp dẫn nên vẫn cắn răng làm việc trong những vườn chuối đầy hóa chất của Trung Quốc tại Lào.

(22/05/2017)
Mới đây, đích thân Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ quan ngại về tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất trồng chuối và sử dụng hóa chất tràn lan gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. “Từ năm 2016, tôi đã ra lệnh cấm cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất nông nghiệp để trồng chuối do hóa chất gây ô nhiễm. Việc sử dụng quá mức hóa chất trong những khu đồn điền khiến nông dân Lào bị bệnh và gây ô nhiễm môi trường",Reuters dẫn lời Thủ tướng Thongloun nói. Tuy nhiên, ông không nêu rõ chính phủ sẽ có phương án giải quyết cụ thể nào đối với những vườn chuối “độc hại” đang tồn tại.
Ngâm tẩy chuối trong một đồn điền của Trung Quốc ở tỉnh Bokeo. Ảnh: Reuters

Đồng tiền đi liền ô nhiễm

Kể từ năm 2014, nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu đổ xô đến miền bắc Lào, chủ yếu ở tỉnh Bokeo, thuê đất nông nghiệp trồng chuối do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng. Theo Reuters, ra giá thuê đất vào khoảng 720 USD (khoảng 16 triệu đồng)/ha và chủ vườn còn tuyển nhiều người địa phương vào làm trong vườn chuối. Những khu đất gần sông và giao thông thuận tiện thì được trả giá gấp đôi. “Người Trung Quốc mang đến việc làm và thu nhập nên chúng tôi đã đồng ý cho thuê đất”, ông Kongkaew Vonusak, trưởng một thôn nhỏ ở Bokeo, nói với Reuters.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, người dân bắt đầu hứng chịu hậu quả từ sự bùng nổ đồn điền chuối Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, ngoài việc làm và thu nhập, nhà đầu tư cũng mang đến đủ loại hóa chất độc hại, khiến các khu đất giờ đây tràn ngập thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ... Hơn nữa, Viện Nông Lâm nghiệp quốc gia Lào (LNAFRT) công bố báo cáo cho thấy việc sử dụng hóa chất bừa bãi trong các nhà vườn Trung Quốc khiến 63% lao động Lào mắc bệnh. Bản thân trưởng thôn Kongkaew cũng cho người Trung Quốc thuê phần đất canh tác của mình nhưng ông không dám làm việc hay đến gần vườn.

Nhiều nông dân Lào phải làm việc trong môi trường độc hại. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nhiều chủ vườn Trung Quốc tuyên bố việc sử dụng hóa chất “là cần thiết” và đây không phải là nguyên nhân gây bệnh. “Trồng trọt cần phải dùng phân bón và hóa chất. Nếu chúng tôi không đến đây, nơi này cũng chỉ là những mảnh đất hoang tàn với đồi núi”, ông Ngô Á Cường, Giám đốc quản lý vườn chuối của Công ty nông nghiệp Kiến Công ở Boeko, nói.

Không chỉ ở Lào

Doanh nghiệp Trung Quốc còn ồ ạt đầu tư vào nhiều đồn điền chuối tại một số nước ASEAN khác. Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Thongsuk Intawong, một quan chức tại huyện Wiang Kaen (tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan), cho hay người dân địa phương đang rất lo ngại tình trạng vườn chuối Trung Quốc xả thải hóa chất độc hại xuống nguồn nước. Bên cạnh đó, sau lệnh cấm cho người thuê đất lập vườn mới của chính phủ Lào, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang Myanmar và Campuchia, theo chủ một đồn điền ở Lào tên Trương Kiện Quân cho hay. Ông này còn ngang nhiên nói với Reuters rằng tác động môi trường ở Lào là “lộ trình mà mỗi quốc gia kém phát triển phải đi qua” và người dân địa phương “nên cảm ơn nhà đầu tư vì mang đến cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của họ”. Minh Phương

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hồi tuần trước nói ông “không nắm thông tin cụ thể” liên quan đến các doanh nghiệp trồng chuối ở Lào. “Về nguyên tắc, chúng tôi luôn yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động ở nước ngoài phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường”, Reuters dẫn lời ông Cảnh tuyên bố.

Đánh đổi bất đắc dĩ

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào với trên 760 dự án trị giá khoảng 6,7 tỉ USD. Trong đó, nhờ làn sóng đồn điền chuối mà xuất khẩu chuối ở Lào tăng gấp 10 lần so với trước năm 2014, chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc. Được ưa chuộng nhất là chuối già, nhưng theo các chủ vườn, loại này “dễ nhiễm sâu bệnh nên phải dùng hóa chất”.

Đối với nhiều nông dân ở miền bắc Lào, nhà đầu tư Trung Quốc trả tiền thuê đất cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ làm nông trên chính mảnh đất của mình. Đó là chưa kể tiền công trồng và thu hoạch chuối. Theo Reuters, vào mùa thu hoạch, họ có thể kiếm ít nhất 10 USD/ngày và thậm chí gấp đôi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Vongpaphan Manivong thuộc LNAFRT cho biết nhà vườn Trung Quốc sử dụng gần 50 loại hóa chất khác nhau, bao gồm cả những loại bị cấm. Chủ vườn “hô biến” bao bì đựng hóa chất thành các loại hợp pháp để qua mặt chính quyền địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy các hóa chất phổ biến trong vườn chuối gồm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất paraquat và thuốc diệt nấm để ngâm bảo quản chuối. EU cùng nhiều quốc gia khác, có cả Lào và Trung Quốc, đều cấm paraquat, nhưng nhà vườn Trung Quốc vẫn sử dụng tràn lan. Ngoài ra, Viện Y tế quốc gia Mỹ cảnh báo phơi nhiễm thuốc diệt nấm (trực tiếp hay gián tiếp qua thực phẩm) có nguy cơ gây hại cho não người. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tổ chức các chương trình tăng cường ý thức cho người lao động về tác hại của hóa chất”, Giám đốc Phonesai Manivongxai của Tổ chức phi lợi nhuận CAMKID ở Lào cho biết.

Tuy nhiên, nhiều người biết rõ mối nguy hại vẫn tiếp tục làm vì thu nhập hấp dẫn. Hơn nữa, hầu hết dân địa phương đều đã cho thuê đất, đánh bắt cá trên sông thì không dám do lo sợ hóa chất thải ra từ các đồn điền. Vì thế, phần lớn không có lựa chọn nào khác ngoài đi trồng chuối.

Phúc Duy (Báo Thanh Niên)

Tin liên quan

>> Nông dân ồ ạt bán đất mặt ruộng Nông dân ồ ạt bán đất mặt ruộng

Bình luận

Note: HTML is not translated!