Ngưng sản xuất lúa vụ 3, mở đồng đón phù sa lũ sớm Ngưng sản xuất lúa vụ 3, mở đồng đón phù sa lũ sớm

Năm nay lũ lớn và về sớm nên ngành nông nghiệp cũng như nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… đã quyết định ngưng sản xuất lúa vụ 3, mở đê cho lũ tràn đòng đón phù sa.

(30/08/2017)
Mở đê, phân lũ

Người dân ĐBSCL vui mừng khi dòng nước màu đỏ bạc mùa nước nổi sớm cuồn cuộn đổ về sau mấy mùa lũ kém. Do đã được khuyến cáo trước là lũ năm nay có thể về sớm và lớn hơn mọi năm, nên nhiều nông dân chủ động ngưng sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) để tránh nguy cơ bị thiệt hại. Đây là cơ hội tốt để đưa lũ tràn đồng, lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau nhiều vụ cấy cày liên tiếp...

Lũ về là cơ hội tốt để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau nhiều vụ cấy cày liên tiếp


Nằm trong vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang, các huyện Giang Thành, Hòn Đất, được cảnh báo ngập sâu. Vì vậy, nhiều nơi nông dân đã chủ động ngưng sản xuất, mở cửa cho nước tràn về. Vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, ông Danh Hiện ở xã Phú Mỹ, Giang Thành, đã quyết định xả cống cho nước lũ tràn vào. Nhiều nông dân gần nhà ông cũng làm tương tự, cứ cắt lúa xong là xả cống.

Tại huyện Hòn Đất, đến nay mới chỉ có khoảng 20.000 ha trong tổng diện tích hơn 79.000 ha lúa hè thu đã được thu hoạch. Vì vậy, cứ khu vực đê bao nội đồng nào thu hoạch xong, ngành nông nghiệp yêu cầu nông dân không làm tiếp lúa thu đông, xả cho nước lũ vào. Việc làm này giúp nước lũ phân tán, giảm áp lực đối với những khu vực còn lúa. Theo báo cáo của phòng NN-PTNT Hòn Đất, năm nay chỉ có khoảng 10% diện tích đất lúa của huyện nông dân tiếp tục làm lúa thu đông, còn lại xả đồng đón lũ.

Tương tự, các địa phương khác cũng đã lên kế hoạch chủ động mở đê, đón lũ với diện tích khá lớn. Cụ thể, tại An Giang, diện tích mở đồng hơn 25.000 ha, Đồng Tháp là hơn 30.000 ha. Các cánh đồng của 2 tỉnh này đã tràn một màu nước ngầu đỏ, có nơi ngập sâu hơn 1m.

Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước đo được trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 27/8 cao 3,2 m, dự báo đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức từ báo động 2 đến báo động 3, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu, cao từ 4 - 4,5 m.

Phân đồng xả lũ giúp giảm áp lực cho những vùng lúa chưa thu hoạch đồng thời có chỗ cho cá tôm sinh sôi nảy nở

Những ngày cuối tháng 8, theo ghi nhận chúng tôi tại vùng đầu nguồn biên giới, thuộc ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, TX Tân Châu, An Giang, nước lũ cuồn cuộn phóng tầm mắt về bờ bắc con kênh Bảy Xã, nơi tiếp giáp biên giới Campuchia ruộng đồng vừa thu hoạch xong lúa hè thu khoảng 20 ngày qua, con nước đã ngập đồng sâu cả 1, 2 m.

Ngồi nhìn cánh đồng chìm trong con nước bạc, ông Trần Văn Don, ở ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang nói: “Ngay khi lũ vừa chớm lên, nhìn màu nước đỏ quạch thì nhà nông chúng tôi vui lắm, vì đó mới là con nước mang nặng phù sa. Phù sa nó vào đồng lắng xuống thành lớp đất mịn, tẩy trôi các chất độc tồn đọng trong các vụ trước nên vụ sau trồng cây gì cũng trúng".

“Theo kế hoạch, cuối tháng 9 tới tỉnh An Giang sẽ vận hành mở 2 đập tràn Tha La và Trà Sư để điều tiết lũ cho cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Tuy nhiên, giữa ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang và Giang An đã có cuộc họp bàn, có thể kéo dài thời gian trễ hơn hoặc khi nào nước lũ tại khu vực vượt mức báo động 2 sẽ tiến hành xả đập, nhằm vừa đảm bảo cho các địa phương có thời gian chủ động thu hoạch lúa, tránh bị thiệt hại. Đồng thời cũng cho nước tràn đồng để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng”, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang.

Lão nông Trương Thanh Phong, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Những năm trước không có lũ, sau khi thu hoạch lúa xong phải thuê máy bơm nước vào đồng ruộng tạo lũ, giúp đất nghỉ ngơi một thời gian mới xuống giống tiếp. Nhưng năm nay lũ về nhiều tôi khui đồng đón nước lũ vào.

Theo tính toán của ông Phong, cứ những năm có lũ lớn, nông dân bớt tốn kém từ 200.000-300.000 đồng/công/vụtiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, có phù sa về thì năm sau năng suất lúa sẽ tăng, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.  

Lợi ích kép

Lũ về sẽ mang lại nhiều lợi ích. Bởi nhiều năm qua đồng ruộng các vùng này bị đóng kín, chất lượng đất và nước bị suy giảm độ phì nhiêu và gia tăng ô nhiễm. Nhưng năm nay, nhiều nơi đồng ruộng đã mênh mông như biển nước.

Xuôi dọc về sông Tiền, thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp, là vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ cả chục năm nay.

Nhiều người dân nơi đây trở nên khấm khá với nghề này. Năm nào nước lũ về nhiều, phù hợp với tập tính sinh sống của tôm càng xanh nên tôm lớn rất nhanh.

Từ thắng lợi những năm qua, bà con nuôi tôm ai cũng mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Vì vậy, cứ đến đầu mùa lũ là bà con lại nhấp nhổm chờ mong. Nước hiện vào ruộng nhiều, rất thuận lợi cho việc thả tôm nuôi.

Mùa nước nổi cũng là mùa phát triển của các loại rau đồng tự nhiên giúp người dân có thêm thu nhập

Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân nuôi tôm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, nói: “Qua 6 năm áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh, tôi thấy đây là mô hình rất hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân, lại ít tốn kém chi phí sản xuất. Năm nào không có lũ là nông dân chúng tôi rất buồn”.

“Những vùng đê bao không đảm bảo an toàn, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân mùa này không nên trồng lúa mà nên cho đồng ruộng nghỉ ngơi, mở đê lấy phù sa vào bồi dưỡng cho đất. Sở đã phối hợp các huyện, thị tuyên truyền vận động các hộ dân nên mở cho hơn 30.000 ha đất ruộng đón phù sa và đa số đồng thuận. Với các hộ đã thu hoạch xong vụ hè thu sau khi xả lũ có thể kết hợp nuôi thủy sản hoặc trồng rau thủy canh để tăng thu nhập trong những tháng mùa lũ”, ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp.

Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ (Báo NNVN)

Tin liên quan

>> BONSAI THÁI - BÍ QUYẾT TRÚNG MÙA CỦA NHÀ NÔNG

Bình luận

Note: HTML is not translated!