LÃO NÔNG ÚT HUY: Xài điện thoại “cùi bắp”, thăm ruộng bằng xe hơi

TTO - Ông Út Huy là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam bộ. Ông không chịu khai hoang nhỏ lẻ vài hecta mà chỉ xông pha đến những nơi có vài trăm hecta trở lên...

(01/07/2017)

TTO - Ông Út Huy là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam bộ. Ông không chịu khai hoang nhỏ lẻ vài hecta mà chỉ xông pha đến những nơi có vài trăm hecta trở lên... 

Xài điện thoại “cùi bắp”, thăm ruộng bằng xe hơi
Chuối xuất khẩu mang thương hiệu riêng của điền chủ Út Huy - Ảnh: V.TR.

Sau 40 năm khai hoang và hơn 20 lần trồng - chặt, bây giờ ông Út Huy (Võ Quang Huy, 61 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mới tìm được công thức làm giàu cho mình: trồng cây ăn trái và nuôi bò. Năm 2016 này, trái chuối nhãn hiệu “FOHLA” (Fruit of Huy Long An - hiểu nôm na là trái cây của ông Huy ở Long An) đã có mặt ở thị trường Nhật Bản và một số nước khác. 

Út Huy giờ là một doanh nhân rất bận rộn. Hẹn với ông cả tháng mới gặp được.

Người nghiện... khai hoang

Ông Út Huy là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam bộ. Ông không chịu khai hoang nhỏ lẻ vài hecta mà chỉ xông pha đến những nơi có vài trăm hecta trở lên. Vùng đất ở Mỹ Bình, Đức Huệ (tỉnh Long An) cách biên giới chừng 5km, hai chục năm trước không có bóng người, nhưng qua bàn tay của ông đã trở thành trang trại 240ha tràn đầy sức sống.

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng đương nhiệm Trương Hòa Bình từng đến tận nơi chứng kiến những vườn cây trái sum sê, trĩu quả trên đất phèn vàng quạch của ông Út Huy.

Út Huy nói rằng ông đang nắm trong tay gần 800ha đất, từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên Lâm Đồng. Nơi nào đất hoang, người khác chê thì ông tìm đến khai phá. Sự nghiệp khai hoang của ông Út Huy bắt đầu từ năm 1978 khi ông đặt chân đến vùng đất Tây Ninh để khai phá 10ha đất trồng mía. Nhưng mía vừa lớn thì lớp bị thú rừng ăn phá, lớp bị nước lụt dìm chết khiến ông trắng tay bỏ chạy.

Sau đó ông lại vác balô lên Tân Uyên (Bình Dương) khai hoang một lèo 70ha để trồng điều. Giờ ông trồng bưởi da xanh và cao su ở trang trại này. Năm 1992, ông ngược lên Trảng Bàng (Tây Ninh) thuê lại 70ha đất Nhà nước khai hoang dở dang để làm tiếp. Hai năm sau ông lại ngược về vùng biên giới Đức Huệ (Long An) khai hoang một lèo 240ha đất nhiễm phèn nặng chưa từng có người đặt chân đến.

Đưa tôi đi tham quan khu vực nuôi 7.000 con bò, 200ha chuối, nhà máy đóng gói chuối xuất khẩu..., ông Út Huy nói nguồn nước ở đây nhiễm phèn nặng, độ pH rất thấp, không thể tưới cây hay dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi gì được. Ông phải xây đài nước 200 m3/giờ để xử lý chúng trở thành nước sạch dẫn ra các khu trồng cây ăn trái, chăn nuôi. Ông tâm sự: “Tôi bị nghiện đi khai hoang. Tôi thích tự tay đào kênh, xả phèn, biến đất chết thành đất trồng lúa, trồng cây”.

Tự xuất khẩu nông sản làm ra

Sau khi xuống lệnh đốn sạch hơn 100ha mít đang cho trái vì giá quá rẻ, ông Út Huy trồng chuối cấy mô và một ít măng cụt, xoài. Ông nói trồng chuối dễ mà không dễ, tưởng bèo bọt ai dè lời ngon hơn mít. Cây chuối trồng lần đầu thì tám tháng cho thu hoạch. Xong, đốn bỏ cây đó và chọn cây con mọc bên cạnh để nuôi bảy tháng nữa thì thu hoạch tiếp.

Cứ thế, thu hoạch cây mẹ xong thì nuôi cây con, không tốn nhiều tiền đầu tư con giống. Út Huy kể khi sang Nhật tìm hiểu thị trường trái cây thì ông phát hiện rất nhiều điều thú vị. Đó là người Nhật thích ăn trái cây, bữa ăn nào cũng có chuối hoặc cam.

Đặc biệt là người già rất mê chuối vì mềm, dễ nhai, dinh dưỡng cao. Mà chuối thì Nhật không trồng nhiều, phải nhập khẩu là chính. Nhìn lại trong nước thì chuối ít ai trồng nhiều, thậm chí các siêu thị còn nhập khẩu chuối Doll của Philippines về bán. Ông quyết định: “Mình sẽ trồng chuối y như Philippines, đóng gói, xuất khẩu sang Nhật luôn, không qua trung gian nào hết”.

Về nước, ông xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để trồng chuối, kho lạnh, hệ thống ròng rọc từ vườn vào đến tận nhà đóng gói để chuối không bị giập, mua xe tải lạnh chở chuối đã đóng gói đến cảng đóng container, xây dựng thương hiệu “FOHLA” riêng. Xong, ông mời chuyên gia trồng chuối Doll ở Philippines qua tận trang trại dạy các bài học vỡ lòng để trái chuối FOHLA lên bàn ăn ở Nhật không thua kém chuối Doll.

Không giống như thương lái đi mua chuối quăng đùng đùng trên xe hay ghe, chuối xuất khẩu của ông Út Huy được “cưng” như hoa. Nhân công cắt buồng chuối xong thì móc vào hệ thống ròng rọc để chuyển thẳng vào nhà sơ chế, đóng gói. Trái chuối từ trên cây cho đến khi vào thùng container để lên tàu đi nước ngoài không hề chạm đất nên không bị giập.

Là một nông dân lão luyện, Út Huy nói “không” với phân hóa học. Ông chỉ dùng phân hữu cơ. Nhưng làm thế nào có nguồn phân hữu cơ khổng lồ cho mấy trăm hecta đất ở khắp nơi? Ông bỏ tiền đầu tư nuôi một lèo 7.000 con bò ngay tại trang trại ở Đức Huệ. Ông giải thích: “Nuôi bò vừa cung cấp thực phẩm cho thị trường, vừa có nguồn phân bón hữu cơ dồi dào.

Trại bò của tôi được đầu tư rất hiện đại, xử lý mùi hôi gần như tuyệt đối nên đi gần không hề hôi thối. Ủ chừng hai tháng là đem bón cây được. Đất phèn chỉ có phân hữu cơ mới trị nổi thôi. Bón phân hóa học tốn tiền, cây cũng không tốt bằng”.

Phân hữu cơ được ủ tại đây rồi vận chuyển lên Lâm Đồng bón cho cây bơ, lên Tây Ninh bón chuối và qua Bình Dương bón cho bưởi da xanh và cao su. Chỉ riêng khoản này ông tiết kiệm được rất nhiều tiền mà hiệu quả lại cao.

Trồng chuối xong, bằng các kênh quan hệ riêng, ông mời bốn doanh nghiệp nhập khẩu trái cây của Nhật đến tham quan. Xem xong, một doanh nghiệp nói: “Tôi muốn ký hợp đồng nhập khẩu chuối của ông, với điều kiện phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật”.

Ông Út Huy cười: “OK ông bạn”. Hai bên xúc tiến thương lượng hợp đồng, giá cả và tem dán lên trái chuối phải bằng tiếng Nhật và tiếng Anh nhưng ghi rõ sản phẩm này là FOHLA, sản xuất tại VN. Cứ 3 hoặc 4 trái chuối đạt trọng lượng 1kg thì được dán một tem rồi cho vào túi nilông, sau đó đóng vào thùng cactông cho vào kho lạnh nhiệt độ luôn ở mức 13OC.

Ông Út Huy tiết lộ lý do xuất khẩu chuối sang Nhật: “Giá chuối xuất sang Nhật thấp hơn châu Âu khoảng 100 USD/tấn, nhưng tôi chọn làm ăn với Nhật bởi vì họ uy tín, mình làm ăn lâu dài với họ được. Vả lại mối quan hệ giữa hai nước rất thân thiện, tôi cũng thấy vui khi người Nhật ăn trái cây Việt”. Mỗi tuần ông Út Huy xuất sang thị trường Nhật hơn 30 tấn chuối.

Tá điền thỏa mãn

Chỉ tiêu 500ha chuối xuất khẩu

Vốn là người cẩn thận, ông Út Huy cũng đã tìm thêm được một số thị trường xuất khẩu chuối ở châu Á. Với diện tích chuối đã trồng 200ha, dự kiến năm 2016 này ông Út Huy sẽ xuất khẩu khoảng 10.000 tấn, nhiều nhất là Nhật.

Ông Út Huy nói dự tính của mình: “Tôi đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Long An liên kết với nông dân trồng chuối. Tôi xuất được rồi, nên giờ hướng dẫn cho bà con trồng, ký hợp đồng bao tiêu cho họ luôn. Nếu không có gì thay đổi thì năm 2017 tôi sẽ có 500ha chuối”.

“Người ta hay gọi đùa tôi là lái buôn quốc tế nhưng tôi vẫn là Út Huy nông dân, đi thăm ruộng bằng xe hơi, xài điện thoại cùi bắp, mang dép lê chứ đâu có mang giày tây, thắt cà vạt, xách cặp táp, xài điện thoại Vertu

Điền chủ Út Huy

VÂN TRƯỜNG

Tin liên quan

>> ĐỂ KHÔNG "MẮC LỠM" KHI LÀM ĂN VỚI TRUNG QUỐC

Bình luận

Note: HTML is not translated!