Lạm dụng thuốc trừ sâu chính là tội ác!

Trước thực trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ cho rằng cần coi đây là tội ác.

(12/09/2017)
TS Trần Hữu Hiệp (Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) và Giáo sư Nguyễn Văn Luật, nguyên viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất nhiều giải pháp dứt khoát.

TS Trần Hữu Hiệp - Ảnh: C.Quốc

Ông Trần Hữu Hiệp: Bây giờ ở ĐBSCL có hàng ngàn đại lý vật tư nông nghiệp. Nông dân đến đó, đại lý hướng dẫn nông dân sử dụng, chứ không phải ông kỹ thuật nông nghiệp. Người bán vật tư xem doanh nghiệp nào chiết khấu nhiều hay thấp mà tư vấn nông dân sử dụng. Rồi phụ thuộc vào tín dụng (mua trước trả sau) mà nhiều nông dân bị cuốn theo.

Đừng chỉ quan tâm đến số lượng

Lâu nay, có tâm lý lo ngại nói tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì ngại ảnh hưởng tới xuất khẩu, ảnh hưởng đời sống nông dân?

- Ông Trần Hữu Hiệp: Đúng là có tâm lý như vậy. Việc này xuất phát từ mô hình phát triển kinh tế nặng về lượng, nhẹ về chất, muốn cho xuất khẩu được nhiều. Chừng nào ngành nông nghiệp còn thống kê theo kiểu xuất khẩu được bao nhiêu tấn cá, bao nhiêu tấn lúa mà quên đi lợi nhuận mang về cho nền kinh tế thì lúc đó nhập phân bón, thuốc trừ sâu tăng lên thôi.

- Giáo sư Nguyễn Văn Luật: Không thể chấp nhận mãi tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đã đặt vấn đề sợ ảnh hưởng tới xuất khẩu thì cũng nên đặt ra cái "sợ" lớn hơn là ảnh hưởng tới chính sức khỏe của người dân mình, trong đó có nông dân. Cái chúng ta chưa từng đặt vấn đề là tại sao giá lúa gạo trong nước bằng giá xuất khẩu, thậm chí cao hơn giá xuất khẩu...

Đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chặn đứng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật?

- Giáo sư Nguyễn Văn Luật: Đúng là chuyện này một mình ngành nông nghiệp, cụ thể là cơ quan bảo vệ thực vật, không thể làm được, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải làm thế nào không chỉ giúp đời sống nông dân mà còn giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng.

Phải quản chặt đầu vào

Thực tế đa số nông dân biết phun thuốc rồi bán ngay là độc nhưng họ cứ làm, phần nhà ăn thì họ trồng riêng. Điều này không thể nhân danh cái nghèo, không thể nhân nhượng được?

- Ông Trần Hữu Hiệp: Bây giờ phải có tư duy quản lý khác, giống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mới mong chặn đứng tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa học. Thời gian qua chúng ta chỉ quản lý đầu ra, trong khi đầu vào để hình thành nông sản không an toàn thì không quản lý được. Rõ ràng ở đây mình mới quan tâm đẩy mạnh quản lý phần ngọn.

Quyết tâm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm không nên hô hào chung chung nữa. Hô hào mà không có lực lượng mạnh thì không được. Lực lượng này không nên chỉ trong ngành nông nghiệp, mà còn các ngành liên quan như công thương, y tế... 

Chúng ta mở cửa cho đầu vào để hình thành một nền nông sản không sạch thì đầu ra có quản lý cỡ nào cũng vậy. Ngoài ra, chúng ta phải tạo ra sản phẩm mới, sạch, khuyến khích có chính sách đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, lâu nay đã nói nhiều thì nay phải đi vào thực chất.

Giáo sư Nguyễn Văn Luật - Ảnh: C.Quốc

Giáo sư Nguyễn Văn Luật: Chúng ta đang có chương trình đổi mới hệ thống cây trồng, tái cơ cấu cây trồng thì cần gắn làm sao cho giảm thuốc bảo vệ thực vật như giảm làm lúa mà tăng cây màu, luân canh lúa - tôm, lúa - cá, lúa - màu thì sẽ giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm sâu bệnh. 

Ngoài ra cần chú ý các mô hình dùng sinh học thay hóa học. Trước đây, ở Viện Lúa ĐBSCL có mô hình dùng nấm xanh, nấm trắng trừ rầy nâu và các loại sâu bệnh. 

Tất nhiên sử dụng phương pháp này lúc đầu có phức tạp và tốn kém hơn sử dụng thuốc hóa học, vì thuốc hóa học có hiệu quả nhanh và rõ hơn. Một số vùng ở Trà Vinh, miền Trung làm cách này thì kết quả rất tốt, tuy nhiên vẫn chưa nhân rộng...

Một nguyên cán bộ lãnh đạo của TP.HCM: Quan tâm quyền lợi doanh nghiệp hơn người dân?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 2,4-D và Paraquat là độc hại, nhưng trong quy định vẫn cho doanh nghiệp sản xuất và buôn bán thêm hai năm là thiếu trách nhiệm với dân.

Phải chăng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo doanh nghiệp đã nhập, đã sản xuất không bán được sẽ bị thiệt thòi? Trong thời gian hai năm kể trên, thử hỏi bao nhiêu tấn chất độc hại được tranh thủ tuồn ra thị trường, đi vào nông sản thực phẩm.

Rồi bao nhiêu người ăn phải thực phẩm tồn dư chất độc, có nguy cơ nhiễm bệnh. Thiệt hại ấy ai chịu trách nhiệm? Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quy định trên là quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp hơn quyền lợi của dân.

Câu chuyện thuốc trừ sâu cho thấy bức tranh rộng lớn hơn rằng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chỉ nói những điều tốt đẹp, nhưng làm thì khác. Rất mâu thuẫn khi định hướng nông nghiệp của Việt Nam là nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao... mà mỗi năm nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu, trừ cỏ đổ xuống ruộng đồng.

Người dân cơ bản muốn trồng gì cũng được, dùng phân thuốc gì cũng được, không ai kiểm soát.

Tình trạng luống rau trồng để cho gia đình ăn và luống rau đem bán là có thật. Không thể đổ hết lỗi cho người dân. Vì luật pháp và quản lý không nghiêm nên xảy ra như vậy. Cũng có nhiều người muốn làm ra sản phẩm an toàn nhưng không có người hỗ trợ, họ nản rồi quay lại cách làm cũ.

Ngành nông nghiệp cần phải sớm tái cấu trúc từ triết lý phát triển đến cách thực hiện. Cần chuyển sang tư duy sản xuất bền vững và giá trị cao hơn. Cần siết chặt luật pháp với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan

>> California cảnh báo hoạt chất glyphosate gây ung thư California cảnh báo hoạt chất glyphosate gây ung thư

Bình luận

Note: HTML is not translated!