Giá dừa tăng kỷ lục
Hiện nay, dừa khô tại vườn ở tỉnh Bến Tre được thương lái thu mua với giá từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/chục; còn tại các cơ sở sản xuất, chế biến hơn 140.000 đồng/chục, tăng từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/chục so với những tháng đầu năm
(04/11/2016)Hiện giá dừa tại Bến Tre đã tăng cao kỷ lục trong nửa tháng qua, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn khiến năng suất giảm mạnh.
Hiện nay, dừa khô tại vườn ở tỉnh Bến Tre được thương lái thu mua với giá từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/chục; còn tại các cơ sở sản xuất, chế biến hơn 140.000 đồng/chục, tăng từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/chục so với những tháng đầu năm.
Ông Phạm Văn Quý, ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, có 1,6ha dừa cho thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng phấn khởi nói: “Năng suất dừa có giảm nhưng được cái giá tăng cao, người dân rất phấn khởi. Hy vọng tương lai giá cả, đầu ra của trái dừa tiếp tục ổn định”.
Doanh nghiệp địa phương thu mua dừa của nông dân.
Theo Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, nguyên nhân giá dừa khô tăng cao là do thị trường trong nước đang có nhu cầu lớn để phục vụ chế biến các sản phẩm phục vụ cho Tết Nguyên đán 2017 và xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh.
Theo dự báo, sắp tới giá dừa tiếp tục ổn định ở mức cao, vì hiện nay chỉ riêng tỉnh Bến Tre đã có hơn 30 mặt hàng chế biến từ dừa, trong đó có nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon… đang xuất sang 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là thị trường Nhật Bản với 48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, gần đây đã có thêm sản phẩm nước dừa tươi đóng lon với đơn đặt hàng từ EU và Mỹ.
Dừa là cây trồng chủ lực của Bến Tre, hiện địa phương có hơn 67.000 ha, sản lượng đạt 500 triệu trái, chiếm 40% tổng sản lượng dừa cả nước. 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 740 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa của địa phương cho biết, hiện nay thu mua nguyên liệu trực tiếp từ Trung Quốc giảm rất nhiều do lực lượng chế biến công nghiệp của tỉnh càng ngày càng phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ dừa đang khẳng định được thế mạnh.
"Tôi rất kỳ vọng về chiến lược 2-3 năm nữa lực lượng chế biến từ dừa của Bến Tre phát triển rất mạnh. Đây là sự đột phá để nâng cao giá trị từ dừa cũng như để ổn định và đời sống của nông dân ngày càng cao hơn”, ông Đức tin tưởng.
Với việc tạo ra nhiều dòng sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng, cây dừa không chỉ có được thế đứng vững chắc trên thị trường, mà còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân Bến Tre trong thời điểm biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt hiện nay./.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL